Vướng mặt bằng, quy hoạch hay chưa thể phân định rõ về chỉ tiêu giao đất, xác định giá đất... đã khiến việc đầu tư, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp vẫn đang ì ạch.
Khu công nghiệp nào cũng vướng
Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc (357ha) trở thành một mô hình mẫu của các KCN Quảng Nam khi đã hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng với tỷ lệ lấp đầy 83%.
Sự thiếu hụt của KCN này được đề cập là các công trình tiện ích (siêu thị, nhà ở công nhân, khu vui chơi giải trí...) hoặc đường trục chính KCN giai đoạn 2 phê duyệt gần 10 năm (2014) vẫn thi công kéo dài, cộng thêm ách tắc giao thông đầu đường trục chính trung tâm giáp ĐT607A chưa được giải quyết. Các KCN còn lại đều dở dang, không phải đâu cũng đủ khả năng để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu.
Thống kê của Ban Quản lý các khu kinh tế và KCN Quảng Nam, tính đến hết tháng 7/2023, Quảng Nam có 13 KCN với tổng diện tích 3.528ha (10 KCN thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai - 2.812ha) và 3 KCN nằm ngoài Khu kinh tế mở Chu Lai (716ha).
Tổng vốn đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN khoảng 9.487 tỷ đồng (thực hiện 4.280 tỷ đồng, đạt 45% tổng vốn đăng ký đầu tư). Trong đó có 9 KCN đã hoạt động, 4 KCN đang thực hiện giải phóng mặt bằng.
Các KCN được phê duyệt quy hoạch có tổng cộng 2.592ha đất công nghiệp. Đến nay, đã cho thuê hơn 926,3ha. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 40%. Hiện còn 247ha đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng, hạ tầng đầy đủ có thể cho thuê.
Khó khăn của hầu hết KCN phụ thuộc vào việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất công nghiệp, chỉ tiêu đất KCN, về đất công ích 5%.
Theo Ban Quản lý các khu kinh tế và KCN Quảng Nam, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư với các dự án KCN kéo dài nên thực tế khó có thể giao đất, cho thuê đất 1 lần toàn bộ dự án hoặc giao đất, cho thuê đất nhiều lần theo phân kỳ đầu tư của dự án.
Các chủ đầu tư đều vướng khi không rõ cần căn cứ vào diện tích đất cho thuê từng đợt hay căn cứ vào diện tích đất toàn dự án theo giấy chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư để xác định giá trị tiền thuê đất.
Theo quy định, phải lập quy hoạch chi tiết trong các KCN. Tuy nhiên, hiện dự án nhỏ hơn 5ha chiếm số lượng lớn, nên việc lập quy hoạch tổng thể mặt bằng đối với các dự án này sẽ gây khó khăn kéo dài về thủ tục đầu tư xây dựng, phát sinh thêm chi phí.
Nan giải nhất là chuyện bồi thường, giải phóng mặt bằng các KCN luôn gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân không đồng ý nhận tiền, không bàn giao mặt bằng. Lịch sử hình thành nguồn gốc đất đai và công tác quản lý đất đai nhiều phức tạp. Một số trường hợp tranh chấp và đất không đủ điều kiện bồi thường. Thiếu giải pháp xử lý dứt điểm dứt khoát với những hộ dân chây ì, không chịu bàn giao đất.
Theo ông Lê Vũ Thương – Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế và KCN Quảng Nam, khó khăn không dễ tháo gỡ là địa phương rất khó có thể đầu tư hay mở rộng thêm các KCN. Ban quản lý đã lập đề xuất dự án một số KCN mới khoảng 5.238ha nhưng chỉ được phân bổ đến năm 2030 là 3.524ha.
Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 là 2.525ha. Với diện tích đất được phân bổ này, địa phương không đủ chỉ tiêu sử dụng đất để thành lập mới các KCN đã có trong quy hoạch cũng như các KCN vào quy hoạch giai đoạn sắp đến.
UBND tỉnh đã gửi Bộ TN-MT đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất KCN đến năm 2030 từ 3.524ha lên 11.944ha (tăng 8.420ha), tăng chỉ tiêu sử dụng đất KCN đến năm 2025 từ 2.525ha lên 5.324ha (tăng 2.799ha). Tuy nhiên, không biết có được chấp thuận hay không.
Rà soát tổng thể, đánh giá hiệu quả
Nỗ lực đầu tư hạ tầng các KCN hiện tại không có điều gì phải bàn cãi. Không thể phủ nhận hiệu quả của KCN khi đóng góp đến 42,12% giá trị công nghiệp toàn tỉnh và giải quyết một lượng lao động đáng kể (hơn 56.237 lao động).
Nhưng, nhìn vào diện tích đất chưa thể giải phóng mặt bằng còn đến 1.258ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 40%, thậm chí có KCN như Đông Quế Sơn sau 13 năm chỉ lấp đầy 24%, KCN Tam Anh – Hàn Quốc sau 10 năm lấp đầy 21% và KCN Tam Thăng 2 sau 6 năm chỉ 12%... thì khó có thể nói là hiệu quả cao.
Cho đến thời điểm này, chưa có một đánh giá toàn diện và khách quan nào về tính hiệu quả, phù hợp và khả thi của các KCN trong bối cảnh kinh tế thế giới và quốc gia đã và đang thay đổi rất nhanh chóng. Một khi mong muốn luôn vượt lên trên nguồn lực - vốn đã nhiều hạn chế, chắc chắn sẽ làm cho nhiều KCN không thể đủ năng lực phát triển.
Những khó khăn hiện tại của các KCN không dễ giải quyết trong ngắn hạn. Sự thiếu hụt quỹ đất KCN cần bổ sung hoặc quy hoạch thuộc quyết định Chính phủ. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngoài việc kiến nghị, đôn đốc các bộ, ngành, Chính phủ thì chuyện giải quyết sự thiếu hụt, tính toán lại việc xác định giá đất, giao đất, tái định cư... trông chờ vào sự linh hoạt của địa phương.
Sự linh hoạt thể hiện rõ nhất là chính quyền yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan phối hợp để có thể điều chỉnh giảm bớt một phần diện tích đất công nghiệp chuyển sang đất hậu cần tại KCN hậu cần Tam Hiệp, bổ sung cho các dự án KCN mở rộng.
Các địa phương có mặt bằng đầu tư các KCN cùng ban quản lý rà soát đầu tư các khu tái định cư, các khu cải táng mồ mả... Chi phí sẽ lấy từ nguồn vốn đầu tư công. Tính toán lại giá cho thuê đất bằng việc xây dựng lại giá đất, cách tính giá đất cho thuê, trình HĐND tỉnh ban hành bảng giá đất mới thì sẽ tính toán cụ thể cho các KCN. Ưu tiên cách tính giảm giá đất hiện tại để tạo động lực thu hút đầu tư, tạo ra sản xuất, sẽ thu được thuế và tạo việc làm...
Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, các địa phương, ban quản lý, sở, ban, ngành phối hợp, xác định về tính khả thi, nhu cầu thực tế, diện tích sử dụng để có thể mở rộng hay thu hẹp các KCN.
Quan trọng hơn hết là tiến hành rà soát lại tất cả KCN để đánh giá việc sử dụng diện tích đất đã giao. Nếu KCN nào vướng mặt bằng nhiều, không thể tháo gỡ hay xử lý được thì phân tách ra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm diện tích đất của KCN đó. Chỉ tiêu quỹ đất được phân bổ đó sẽ chuyển cho các KCN mở rộng có tính khả thi cao hoặc thành lập các KCN mới.
“Phải tổng rà soát hết các KCN. Từ nay đến 2030, chỉ còn 7 năm nữa, không phải chủ đầu tư nào cũng có thể giải phóng mặt bằng hay đầu tư hạ tầng hết diện tích đất đã giao. Từng KCN cần cam kết tiến độ đầu tư. Tạm thời cắt chỉ tiêu phần diện tích không đầu tư ấy, điều chỉnh sang cho các KCN mở rộng hay đầu tư mới trong vòng 7 năm đến. Đó là chuyện hoàn toàn có thể thực hiện bằng cách co giãn diện tích, miễn sao vẫn thuộc trong chỉ tiêu cho phép của Chính phủ” - ông Lê Trí Thanh nói.